Trong những điều thí sinh băn khoăn có câu hỏi: Tại sao có nhiều người giỏi mà vẫn thi rớt? Tại sao có nhiều người sức học vừa phải nhưng thi là đậu ngay? Tại sao có nhiều người thi đậu, học 4-5 năm trời ròng rã, tốt nghiệp xong rồi lại đòi làm lại từ đầu? Giá như có cơ hội được sửa sai?
Là người đi trước, thành công có, thất bại có, hy vọng các bạn thí sinh (TS) đón nhận những lời khuyên sau đây để phòng ngừa, né tránh rủi ro có thể xảy ra. Tôi xin nhấn mạnh một điều: Nhiều TS đã chủ quan bỏ qua các lời khuyên đơn giản để rồi tự mình làm phức tạp thêm cho sự khởi đầu của mình.
Phòng bệnh, điều trị cấp cứu
Nghe qua ai cũng nói việc này đơn giản mà sao làm không được? Vấn đề là ở chỗ đó. Nếu chọn sai sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. Lẽ ra, về nguyên tắc việc chọn ngành, nghề của TS phải từ rất sớm, nghĩa là nó mang tính định hướng, chứ không phải ngay trước kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ…
Thử so sánh về mức độ kinh phí cho việc định hướng nghề nghiệp để thi và học cũng giống như 3 mức độ trong ngành y: phòng bệnh, điều trị và cấp cứu. Nếu lo 1 đồng chi phí dự phòng sẽ giảm được 9 đồng điều trị trước khi tránh được 100 đồng cấp cứu.
Nếu việc chọn lựa xuất phát từ sở thích, nguyện vọng của bản thân thì sẽ bền vững hơn. Việc chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn (theo hướng tiêu cực) đối với việc học hành và công việc của các thí sinh sau này. Hướng nghiệp là vấn đề lớn và đi trước một bước. “Hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy 2 mà là 1”.
Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này? Nếu xác định được sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời, lâu dài... hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Thi trường nào, ngành nào để dễ đậu?”. Đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, chân đứng đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó.
Biết lượng sức
Nghĩa là phải biết người biết ta. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều sĩ tử học giỏi nhưng thi hoài không đậu nhưng có người học khá nhưng thi rất chắc, đậu liền. TS không nên chọn những nghề thật cao siêu nhưng không biết năng lực mình tới đâu. Trèo cao ngã đau là chuyện bình thường và không ai khuyến khích hậu quả này cả.
Sau khi chọn ngành mình thích, nên lượng sức mình có thể vừa với những trường nào. Dĩ nhiên, còn nhiều tiêu chí để tham khảo: điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý...
Ngành nghề hiện nay thì nhiều và đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, giới trẻ thì lại có quá nhiều ước mơ, hoài bão. Nói cách khác, sự lựa chọn nghề nghiệp hiện nay là rất phong phú và theo hướng tự do, tự nguyện.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp HS… bị lệ thuộc vào quyền quyết định của người khác để thi vào ngành mình không thích, bậc học không tương xứng. Nếu đậu, chỉ là sự tạm trú, rất không chắc chắn. Dẫu biết rằng, lời khuyên thì rất bổ ích, rất quan trọng nhưng cũng chỉ là sự tham khảo, bản thân các em phải tự quyết định về tương lai của mình.
“Giới trẻ hiện nay đang chọn nghề theo kiểu mì ăn liền. Tuổi trẻ chạy theo mốt là chuyện thường. Có em muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thử cho đã, bị dội ngược rồi mới ngẫm nghĩ lại là không nên tiếp tục nữa, mình phải là mình thôi. Có người thuộc nhóm thích thử thách thậm chí phiêu lưu một chút, có người lại thích sự yên tĩnh, ổn định. Lời khuyên ư? Hãy là chính mình.
Thích và phù hợp
Thích chưa chắc đã hợp! Có nhiều TS thích học để sau này làm bác sĩ nhưng, bạn đó hễ thấy máu là xỉu, thấy người khác xỉu là xỉu theo.
Có bạn thích làm kế toán, liên quan đến tiền bạc nhưng khổ nỗi là lại hay bất cẩn, thậm chí khuất tất về tiền bạc… sẽ rất nguy hiểm cho chính họ và nơi họ làm việc. Có người chạy theo lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện…trong khi họ là người phù hợp với công việc gắn liền với thiên nhiên, hoa viên cây cảnh.
Có bạn thích làm việc với máy tính nhưng cứ hễ ngồi trước bàn phím gõ gõ là hoa cả mắt. Trong khi bạn đó lại có năng khiếu hát rất hay và dẫn chương trình thì quá tuyệt. Vậy thì cái mình thích đâu có phù hợp? (Đương nhiên, ngoại trừ những trường hợp khổ công rèn luyện và khắc phục được hạn chế của mình).
Có nhiều tiêu chí lựa chọn. Tiêu chí nào cũng có cơ sở cả. Khi đã có cơ sở lý luận và thực tiễn để lựa chọn rồi thì thường là các em hài lòng về quyết định của mình. Tuy nhiên, sự hài lòng này dài hạn hay ngắn hạn, có bền vững hay không là do chính bản thân các em.
Nên chọn theo sở trường, tránh xa sở đoản mới là bền vững. Tuy vậy, cũng không nên quá bảo thủ, cực đoan mà hãy nghe những lời khuyên vì có khi các em không đủ thông tin.
Các em nên cân nhắc sở thích nguyện vọng của mình có bị ngộ nhận hay không? Tôi thấy Lý thuyết Holland (xem ở box) về chọn nghề cũng là một nguồn tham khảo để trắc nghiệm rất tốt.
Ngoài ra, để những vấn đề trên được toại nguyện, TS cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề kỹ thuật. Theo đó, các em phải tìm hiểu kỹ càng về những vấn đề liên quan đến kỳ tuyển sinh năm nay. Có những điểm mới so với trước đây, tra tìm điểm chuẩn 3 năm gần kề để lượng sức ngành nghề đó ở trường nào thì phù hợp.
Đây tuy là vấn đề kỹ thuật ngắn hạn nhưng nếu không lưu ý làm đúng ngay từ đầu thì có khi lại bị chệch hướng, gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội. Và thực tế cho thấy: đã có nhiều rắc rối cho những sự thiếu cân nhắc những lời khuyên rất đơn giản này.
Lĩnh vực nghề nghiệp ứng với mỗi nhóm sở thích
(Theo lý thuyết Holland)
R (Realistic): Người thực hiện nhóm “sở thích nghề nghiệp” này thường có khả năng về kỹ thuật, công nghệ, hệ thống; ưa thích làm việc với đồ vật, máy móc, động thực vật; thích làm các công việc ngoài trời.
Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các nghề về kiến trúc, an toàn lao động, nghề mộc, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe, huấn luyện viên, nông - lâm nghiệp (quản lý trang trại, nhân giống cá, lâm nghiệp…), cơ khí (chế tạo máy, bảo trì và sửa chữa thiết bị, luyện kim, cơ khí ứng dụng, tự động…), điện - điện tử, địa lý - địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu khí, hải dương học, quản lý công nghiệp…
I (Investigative): Có khả năng về quan sát, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề.
Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Địa chất, Thống kê…); khoa học xã hội (Nhân học, Tâm lý, Địa lý…); Y - Dược (BS gây mê, hồi sức, BS phẫu thuật, Nha sĩ …); khoa học công nghệ (CNTT, Môi trường, Điện, Vật lý kỹ thuật, Xây dựng…), nông lâm (nông học, thú y…)
A (Artistic): Có khả năng về nghệ thuật, khả năng về trực giác, khả năng tưởng tượng cao, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu.
Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về văn chương; báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình…); điện ảnh; sân khấu; mỹ thuật; ca nhạc; múa; kiến trúc; thời trang; hội họa, giáo viên dạy Sử/Anh văn, bảo tàng, bảo tồn,…
S (Social): Có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải, thích làm những việc như giảng giải, cung cấp thông tin, sự chăm sóc, giúp đỡ, hoặc huấn luyện cho các người khác.
Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Sư phạm; giảng viên, huấn luyện viên điền kinh; tư vấn - hướng nghiệp; công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thư viện, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, bà đỡ, chuyên gia về X-quang, chuyên gia dinh dưỡng…
E (Enterprise): Có khả năng về kinh doanh, mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác; có khả năng quản lý.
Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về quản trị kinh doanh (quản lý khách sạn, quản trị nhân sự…), thương mại, marketing, kế toán – tài chính, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, pha chế rượu, kỹ sư công nghiệp (ngành KTHTCN), bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp trưởng (nấu ăn), báo chí (phóng viên,biên tập viên…).
C (Conventional): Có khả năng về số học, thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với dữ liệu, theo chỉ dẫn của người khác hoặc các công việc văn phòng.
Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành nghề về hành chính, quản trị văn phòng, kế toán, kiểm toán, thư ký, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, điện thoại viên...